Phòng ngừa viêm nướu răng ở trẻ em

Phòng ngừa viêm nướu răng ở trẻ em
Viêm nướu răng là một bệnh rất thường gặp ở trẻ em do nhiễm trùng những mô mềm xung quanh nâng đỡ cho răng. Nếu nướu của trẻ bị sưng và chảy máu khi chải răng, trẻ có thể bị viêm nướu.

Viêm nướu răng là một bệnh rất thường gặp ở trẻ em do nhiễm trùng những mô mềm xung quanh nâng đỡ cho răng. Nếu nướu của trẻ bị sưng và chảy máu khi chải răng, trẻ có thể bị viêm nướu.

Viêm nướu răng là gì?

Bệnh nướu răng diễn tiến qua nhiều giai đoạn khác nhau, nguyên nhân chính là từ độc tố do vi khuẩn trong cao răng tiết ra, gây kích thích nướu và vi khuẩn xâm chiếm ở xung quanh kẽ răng làm nướu sưng đỏ.

Nguyên nhân nào làm trẻ bị bệnh viêm nướu?

Nguyên nhân trực tiếp của bệnh viêm nướu là mảng bám hình thành trên răng. Vi khuẩn mảng bám tồn tại càng lâu thì mức độ nghiêm trọng mà chúng có thể gây ra càng lớn. Nếu mảng bám không được làm sạch đúng mức bằng cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày, nó sẽ tạo ra độc tố kích thích mô nướu gây viêm nướu.

Như vậy, nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm nướu răng ở trẻ là do trẻ vệ sinh răng miệng không sạch, dẫn đến tình trạng tích tụ chất bẩn và vi khuẩn quanh răng, nhất là ở khe nướu.

Phòng ngừa viêm nướu răng ở trẻ em

Làm sao để sớm nhận biết trẻ bị viêm nướu?

Có thể dựa vào các dấu hiệu sau:

– Sưng nhẹ ở viền và gai nướu là biểu hiện của viêm nướu ở giai đoạn đầu. Nướu của trẻ bình thường màu hồng, khi bị viêm nướu, tùy theo mức độ nhẹ thì nướu trẻ sẽ có dấu hiệu bị ửng đỏ, sưng phồng; nặng hơn, nướu của trẻ có dấu hiệu bị sưng đỏ và tấy. Nướu sẽ không còn dai chắc mà sẽ trở nên mềm và bở. Ở mức cao hơn có thể thấy trẻ dễ bị chảy máu nướu răng khi chạm phải hay chảy máu tự nhiên. Nguyên nhân là do các vi khuẩn gây viêm sản sinh ra độc tố khiến nướu trở nên nhạy cảm, dễ chảy máu.

– Khi bị viêm nướu, trẻ đánh răng rất dễ bị chảy máu răng và nướu của trẻ có thể đau khi đánh răng. Có những trường hợp có trẻ bị sưng nướu răng rất đau, kèm theo lưỡi, môi và miệng bị lở, gây rát. Vì nướu bị đau nên nhiều trẻ không chịu đánh răng thường xuyên. Ở các trẻ nhỏ, một số bậc cha mẹ khi chùi răng cho trẻ, thấy trẻ đau, khóc không chịu cho chùi răng nên các bậc cha mẹ không dám vệ sinh răng miệng cho trẻ nữa, làm cho tình trạng viêm nướu tiếp tục nặng hơn.

– Các bậc cha mẹ có thể nhận biết trẻ bị viêm nướu bằng cách kiểm tra bàn chải đánh răng, của trẻ sau khi trẻ đánh răng để xem, nếu thấy một “chút màu hồng” của các sợi lông bàn chải đánh răng đó là máu còn tích tụ lại trong khi đánh răng.

– Miệng trẻ có mùi hôi, hơi thở của trẻ có mùi khó chịu khi có mủ giữa răng và nướu răng.

Ngoài ra, trẻ bị viêm nướu thường có biểu hiện ăn ít, bỏ ăn do đau nướu. Các bậc cha mẹ cần để ý kiểm tra răng miệng của trẻ.

Cách phòng ngừa viêm nướu răng ở trẻ em

Để phòng ngừa viêm nướu răng ở trẻ em một cách tốt nhất thì phụ huynh nên theo sát các bé hằng ngày bằng việc tạo thói quen đánh răng ngay từ khi còn nhỏ. Bạn có thể tập cho bé đánh răng từ khi lên 3 tuổi và cùng bé thực hiện để bé quen với việc này.

phòng ngừa viêm nướu răng ở trẻ em 1

Hãy cùng bé đánh răng để tạo thói quen chăm sóc răng miệng tốt cho các bé

Sau khi trẻ ăn xong thì bạn nên cho trẻ súc miệng bằng nước để làm sạch các chất cặn trên răng. Những chất này nếu tích đọng lâu trong miệng sẽ hình thành cao răng. Đây là nguyên nhân gây viêm nướu răng ở hầu hết trẻ em do chúng chứa nhiều vi khuẩn. Đối với các bé dưới 3 tuổi, trẻ sơ sinh thì bạn nên cho bé uống nước sau khi ăn, dùng khăn hoặc bông mềm lau nhẹ răng cho bé để vi khuẩn không bám vào gây viêm.

Bố mẹ nên cho bé đi khám răng định kỳ và lấy cao răng nếu có để ngừa bệnh viêm nướu răng. Cách nhận biết cao răng rất đơn giản, bạn hãy quan sát trên thân răng nếu có các chấm đen hoặc mảng bám răng màu vàng mà khi đánh răng không thể làm sạch được thì đó là cao răng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *